Lượt truy cập
Tin tức y khoa
Kháng sinh - Dùng thế nào cho đúng?
Trong giai đoạn hiện nay, do nhiều lý do khác nhau đã dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh. Hầu hết việc lạm dụng này là do người dân chưa am hiểu hoặc hiểu chưa hết vai trò của kháng sinh, những mặt có lợi và bất lợi do nó đem lại. Thêm vào đó, việc quản lý sử dụng kháng sinh hiện nay thiếu chặt chẽ, đồng bộ.
Khi nào thì dùng kháng sinh?
Kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp đã có khả năng ức chế (không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở) hoặc tiêu diệt vi khuẩn một cách đặc hiệu. Nó không phải là loại thuốc chữa “bách bệnh” tức là không phải mắc bệnh gì cũng dùng kháng sinh để điều trị. Kháng sinh chỉ được dùng để chữa các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn hoặc vi nấm gây nên (kháng sinh chống nấm). Một số trường hợp đặc biệt có thể dùng kháng sinh để phòng bệnh, ví dụ bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả có khả năng gây thành dịch. Và trong một số trường hợp đặc biệt khác người ta có thể dùng kháng sinh để điều trị dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do cuộc mổ kéo dài nhiều giờ. Ngoài việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bởi bệnh nhiễm khuẩn thì kháng sinh không dùng điều trị các loại bệnh nào khác. Tuy nhiên, do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi cho nên càng ngày càng làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh. Ở Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, một số loại vi khuẩn không những kháng lại thuốc kháng sinh thông dụng mà còn có khả năng kháng lại một số thuốc kháng sinh thế hệ mới. Đặc biệt, có những loại vi khuẩn cùng một lúc kháng nhiều thuốc kháng sinh như tụ cầu vàng (S.aureus), trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), vi khuẩn lao (M. tubeculosis)…Hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn có sự đóng góp đáng kể của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Do đó, trong một số trường hợp cụ thể nào đó bị nhiễm vi khuẩn, dùng một loại kháng sinh thông dụng mà bệnh không khỏi cũng rất có thể do vi khuẩn gây bệnh ở người bệnh đó đã kháng lại kháng sinh đó hoặc dùng không đủ liều lượng hoặc dùng không đủ ngày. Mặt khác, cùng một loại kháng sinh có tác dụng tốt với vi khuẩn này nhưng không có tác dụng hoặc tác dụng kém với vi khuẩn khác. Vì vậy, trước khi dùng kháng sinh phải xác định là bệnh đó có phải do vi khuẩn gây ra hay không, nếu có là vi khuẩn gì? Trong khi đó, nếu viêm nhiễm do virut thì dùng kháng sinh loại nào cũng không có tác dụng diệt chúng cho dù là kháng sinh đó thuộc nhóm nào, thuộc thế hệ nào đi nữa. Nhiều người thấy cứ ho là dùng kháng sinh. Nhưng ho có vô vàn nguyên nhân khác nhau ở cả trẻ em và ở cả người trưởng thành. Cần lưu ý, viêm họng có thể có ho nhưng ho chưa chắc là mắc bệnh nhiễm khuẩn. Trong nhiễm khuẩn đường hô hấp (cả hô hấp trên và hô hấp dưới) có thể do vi khuẩn hoặc do vi nấm hoặc do virut gây nên. Theo một khảo sát mới đây của Bệnh viện Bạch Mai, đối với trẻ dưới 3 tuổi, có tới 90% nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai là do virut. Đó là chưa kể ho do dị ứng (với thời tiết thay đổi, do lạnh, do bụi…), ho do bệnh hen suyễn (với trẻ em gọi là hen phế quản) hoặc ho do tác dụng phụ của thuốc làm giảm huyết áp ví dụ nhóm thuốc ức chế men chuyển (coversyl, renitec, ednyt…). Do đó không nên thấy ho là dùng kháng sinh mà phải xác định nguyên nhân ho có do nhiễm vi khuẩn hay vi nấm không và nếu có là vi khuẩn gì. Bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh sẽ không bao giờ khỏi và như vậy kháng sinh lại bị oan ra là vô tác dụng khi chữa trị bệnh ho.
Và một số hiểu nhầm khi sử dụng
Người ta ví kháng sinh như con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng thì rất tốt, ngược lại thì không những bệnh không khỏi mà đôi khi gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hiện nay có một số lượng không nhỏ người dân bị bất kỳ bệnh gì cũng dùng kháng sinh. Điều nguy hiểm nhất là tự mua theo ý thích của mình không cần có đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, hầu hết các quầy thuốc tư nhân mỗi khi có người hỏi mua thuốc kháng sinh là lập tức bán ngay không cần đơn và bản thân người bán hàng đó cũng không cần biết làm như vậy là hoàn toàn sai và sẽ nguy hại cho người bệnh, chỉ cần có doanh thu là bán. Không ít người mua kháng sinh chỉ vài viên hoặc vài gói (dùng không đủ liều lượng) mà bản thân người mua cũng không biết là thuốc gì, khi được hỏi thì chỉ nói là loại đầu xanh, đầu đỏ hoặc trả lời không biết. Hành vi này vừa sai về quy định dùng thuốc kháng sinh, vừa làm cho bệnh không khỏi, vừa làm cho tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc gia tăng (trên bản thân người đó và lan ra cả cộng đồng). Một số người, ngay cả một số thầy thuốc khi chỉ định dùng kháng sinh thường cho kháng sinh loại phổ rộng hoặc loại kháng sinh thế hệ mới (cefixim, rovanten, cefoperazone,…) ngay từ đầu. Cũng có trường hợp trong một lần cần dùng kháng sinh lại thay đổi kháng sinh liên tục. Cách dùng kháng sinh không đúng này càng làm gia tăng sự kháng thuốc trong cộng đồng, nhất là trong bệnh viện, tất cả sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cộng đồng và nhiễm khuẩn bệnh viện. Một điều cần lưu ý là bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc nhưng nếu dị ứng do kháng sinh thì nhiều khi là cực kỳ trầm trọng, có thể tử vong. Để tránh những rắc rối đó, mọi người nên tuân thủ đúng quy định khi sử dụng kháng sinh, không tự động dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Cần dùng đúng bệnh (chỉ dùng kháng sinh khi mắc bệnh nhiễm vi khuẩn), đúng liều, đủ thời gian và không tự động thay đổi thuốc. Các nhà chức trách nên có biện pháp quản lý quy chế bán thuốc kháng sinh một cách chặt chẽ hơn.
Theo Sức Khỏe và Đời Sống