Bệnh viện Số 10 - Tin tức y khoa 

Tin tức y khoa

Tiểu đường và những bệnh liên quan

Cao huyết áp chính là căn bệnh có liên quan mật thiết với bệnh nhân tiểu đường. Vì sao vậy? Để tránh trường hợp phải mang thêm một căn bệnh mãn tính nữa ta phải làm sao?


 

   Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị các bệnh lý tim mạch?

    Người bệnh tiểu đường rất dễ bị rối loạn mỡ trong máu, nguy cơ này tăng cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Khi các loại mỡ có hại tăng cao trong máu như: Triglycerid, cholesterol…sẽ lắng đọng ở thành mạch gây xơ vữa mạch máu, làm thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.

    Ngoài ra, người có huyết áp tăng, các tổn thương thận (có đạm trong nước tiểu, suy thận), hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người bệnh tim mạch cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh tim mạch ở người tiểu đường.

Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị tăng mỡ trong máu?

  • Do tình trạng thiếu insulin hoặc insulin hoạt động kém hiệu quả.
  • Do đường trong máu tăng, làm tăng tổng hợp triglycerid, oxy hóa LDL Cholesterol và gây lắng đọng ở thành mạch máu, biến đổi HDL Cholesterol làm mất chức năng bảo vệ mạch máu.
  • Béo phì làm tăng sản xuất acid béo và tăng tổng hợp triglycerid.
  • Ăn quá nhiều chất béo, LDL Cholesterol được tạo ra nhiều.

Những yếu tố này khiến người bệnh tiểu đường dễ bị tăng mỡ trong máu.

Người bệnh tiểu đường dễ bị tăng loại mỡ nào trong máu?

Các trường hợp tăng mỡ trong máu gồm:

  • Tăng cholesterol đơn thuần.
  • Tăng triglycerid đơn thuần.
  • Tăng cholesterol và tăng triglycerid

Ở người bệnh tiểu đường thường tăng triglycerid và có hoặc không kèm theo giảm HDL cholesterol. Tăng triglycerid ở người bệnh tiểu đường dễ dẫn đến bệnh mạch vành (các mạch máu nuôi tim). Khi triglycerid tăng hơn 500ml/dl sẽ có nguy cơ viêm tụy. Còn tình trạng tăng cholesterol cũng giống như người không bệnh tiểu đường.

Làm gì để phòng ngừa bệnh tim mạch khi bị tiểu đường?

 Kiểm soát tốt huyết áp, giữ lượng đường, mỡ trong máu gần mức bình thường.

  • Huyết áp không quá 130/80mmHg
  • Đường huyết lúc đói 80 – 110mg/dl
  • HbA1c dưới 6,5%
  • LDL.C trên 45mg/dl (2,5mmol/l)
  • HDL.C trên 45mg/dl (1,1mmol/l)
  • Triglycerid dưới 150 mg/dl (1,7mmol/l)

Giảm cân nếu có thừa cân và duy trì cân nặng lý tưởng. BMI: 18,5-23.

Chế độ ăn hợp lý:

  • Giảm mỡ động vật do chúng dễ làm tăng cholesterol máu và thay bằng dầu thực vật (dầu mè, nành, hướng dương, bắp, ôliu…) giúp giảm cholesterol máu.
  • Ăn ít thức ăn chứa nhiều cholesterol như: lòng đỏ trứng, da, lòng, phủ tạng.
  • Thay thịt heo, bò bằng thịt gà (chỉ ăn thịt nạc bỏ da), cá, đậu hũ.
  • Tăng các thức ăn chứa xơ có trong rau, đậu.
  • Giảm rượu bia

Luyện tập thể lực đều đặn

- Ngưng thuốc lá.

Làm thế nào để tăng lượng HDL cholesterol trong máu?

HDL cholesterol là loại cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ mạch máu, giúp cơ thể thải trừ lượng cholesterol dư ra khỏi các mô và đưa về gan. Nếu lượng HDL cholesterol trong máu giảm, mạch máu dễ bị xơ vữa.

Muốn nâng HDL cholesterol cần:

  • Kiểm soát tốt lượng LDL cholesterol dưới 100mg/dl
  • Giữ mức cân nặng lý tưởng
  • Chọn các loại thực phẩm như: cá, hải sản, tảo, đậu nành chứa nhiều acid béo không no omega 3 có tác dụng giảm triglycerid mà không làm giảm HDL cholesterol, thậm chí có thể tăng.
  • Tăng luyện tập thể lực
  • Dùng thuốc: Fibrate, acid nicotinic
Nội dung khác