Bệnh viện Số 10 - Tin tức y khoa 

Tin tức y khoa

Bệnh rối loạn lipid máu


Rối loạn lipid máu (hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol máu) là bệnh khá phổi biến, đặc biệt khi đời sống càng phát triển. Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu, thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu. Tất cả chúng ta đều có cholesterol và triglycerid trong máu. Cholesterol tham gia thành phần cấu tạo của màng tế bào, của một số hormon và có một số các công dụng khác, còn triglycerid là nguồn năng lượng cho hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Cơ thể có cholesterol và triglycerid. Sau khi ăn chất béo (mỡ), triglycerid và cholesterol được hấp thu vào tế bào ruột dưới dạng acid béo và cholesterol tự do (chuyển hóa lipid ngoại sinh). Trong cơ thể các cholesterol cũng được tổng hợp tại các tế bào gan (chuyển hóa lipid nội sinh).

Vì không tan trong nước, để tuần hoàn được trong huyết tương, các lipid phải được kết hợp với các protein dưới dạng phức hợp phân tử lớn gọi là lipoprotein. Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được quan tâm nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C: Low Density Lipoprotein Cholesterol) là một loại cholesterol có hại và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C: High Density Lipoprotein Cholesterol) là một loại cholesterol có ích.

Rối loạn lipid máu, là hậu quả của béo phì và nguy cơ tương đương với tăng huyết áp, là nguyên nhân hàng đầu của nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Ở thành phố, chúng ta ít vận động, ăn uống quá dư thừa chất đạm, chất mỡ và những đồ ăn nhanh… vì vậy, ở thành phố có nhiều người bị rối loạn lipid máu hơn ở nông thôn.

Làm thế nào để phát hiện rối loạn lipid máu

Hầu hết những người có cholesterol máu cao đều hoàn toàn khỏe mạnh. Bạn thường không có dấu hiệu gì báo trước và cách duy nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu. Mẫu máu xét nghiệm thường được lấy từ máu tĩnh mạch ở cánh tay của bạn. Bởi vì nồng độ triglycerid máu tăng lên sau khi ăn, do vậy bạn cần nhịn đói trước khi làm xét nghiệm máu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt có thể phát hiện được bệnh nhờ một số dấu hiệu của lắng đọng cholesterol ở dưới da hay ở vùng quanh mi mắt.

Tại sao bạn bị rối loạn lipid máu?

Nguyên nhân tăng cholesterol máu

Ăn quá nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân chủ yếu gây tăng cholesterol máu. Các chất béo bão hòa có trong các thức ăn có mỡ, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, hầu hết các loại thức ăn rán, các loại bánh như bánh bích quy và ga tô..

Thay thế các thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa bằng các thức ăn có chứa chát béo không bão hòa đa chuỗi và đơn chuỗi sẽ làm giảm lượng cholesterol trong máu của bạn. Các thức ăn có chứa nhiều chất béo không bão hòa đa chuỗi bao gồm dầu hướng dương, sữa đậu nành, cá, một số loại quả và củ. Các thức ăn có chứa chất béo bão hòa đơn chuỗi bao gồm dầu ô liu, dầu lạc. Ăn nhiều thức ăn có chứa cholesterol sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu của bạn, đặc biệt nếu bạn là người có nguy cơ cao bị mắc bệnh vữa xơ động mạch và bệnh động mạch vành.

Nguyên nhân gây tăng triglycerid máu

Bạn bị thừa cân (béo phì), uống nhiều rượu và ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu của bạn.

Để làm giảm lượng triglycerid máu bạn cần phải hạn chế ăn các thức ăn có thứa chất béo, hạn chế uống rượu và giảm cân nếu bạn bị thừa cân.

Rối loạn lipid máu thứ phát

Khoảng dưới 10% các trường hợp rối loạn lipid máu thứ phát do các nguyên nhân như:

- Đái tháo đường

- Hội chứng thận hư

- Tăng urê máu

- Suy tuyến giáp

- Bệnh gan

- Nghiện rượu

- Uống thuốc tránh thai

- Một số thuốc tim mạch như: thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazide.

Khi nào bạn cần kiểm tra lipid máu?

Điều đó phụ thuộc vào nguy cơ mắc bệnh động mạch vành của bạn. Nếu điểm ước tính nguy cơ mắc bệnh động mạch vành trong vòng 10 năm của bạn < 10% là bạn có nguy cơ thấp, 10-20% là bạn có nguy cơ vừa, nếu > 10% là bạn có nguy cơ cao. Bác sĩ sẽ là người quyết định khi nào bạn nên kiểm tra lipid máu.

Nên kiểm tra lipid máu định kỳ cho những người trên 45 tuổi.

Kiểm tra lipid máu cho những người có tuổi trẻ hơn nếu như người đó có các yếu tố nguy cơ khác như tiền sử có người ruột thịt trong gia đình bị bệnh động mạch vành, nếu người đó bị tăng huyết áp hay hút thuốc lá.

Theo dõi định kỳ lượng lipid trong máu phụ thuộc vào tuổi của bạn, mức độ nguy cơ mắc bệnh động mạch vành của bạn và do bác sỹ yêu cầu.

Trẻ em thường không cần kiểm tra lượng lipid máu trừ khi bị bệnh đái tháo đường.

Tại sao bạn cần điều trị rối loạn lipid máu?

Nồng độ cholesterol trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình vữa xơ động mạch và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim. Hầu hết lượng cholesterol toàn phần trong máu tạo ra LDL-C là loại cholesterol có hại. Chỉ có một lượng nhỏ cholesterol tạo ra HDL-C là loại cholesterol có ích, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh vữa xơ động mạch.

Tăng cholesterol máu là một trong những nguy cơ chính gây bệnh vữa xơ động mạch và bệnh động mạch vành. Nguy cơ bị bệnh động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác càng tăng cao hơn nếu như bạn có các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, thói quen ít vận động và thừa cân (béo phì).

Phân loại mức độ

Phân loại mức triglycerid máu

Nhóm Mức Triglycerid

Bình thường  < 150 mg/dL (1,7 mmol/L)

Giới hạn cao  150-199 mg/dL (1,7-2,3 mmol/L)

Cao     200-499 mg/dL (2,3-5,7 mmo/L)

Rất cao           ≥ 500 mg/dL (5,7 mmol/L)

Phân loại mức LDL-C

Nhóm Mức LDL-C

Bình thường  < 100 mg/dL (2,6 mmol/L)

Gần tối ưu      100-129 mg/dL (2,6-3,4 mmol/L)

Giới hạn cao  130-159 mg/dL 3,4-4,1 mmol/L)

Cao     160-189 mg/dL (4,1-4,9 mmo/L)

Rất cao           ≥ 190 mg/dL (4,9 mmol/L)

Phân loại mức HDL-C

Nhóm Mức HDL-C

Thấp   < 40 mg/dL (1,03 mmol/L)

Cao     ≥ 60 mg/dL (1,55 mmol/L)

Các biện pháp điều trị rối loạn lipid máu

Với bệnh nhân tăng cholesterol máu loại LDL-C cao:

- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: tăng cường vận động, ăn giảm béo, hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, khuyến khích ăn cá nước ngọt…

- Dùng thuốc: có thể dùng một trong những thuốc nhóm statin như sau (nên bắt đầu từ liều thấp). Lưu ý rằng liều này vẫn có thể tăng gấp đôi nếu không đạt hiệu quả sau 4-6 tuần điều trị.

+ Simvastatin (Zocor, Simvahexal, Vida…) 10 mg/ngày

+ Atorvastatin (Lipitor, Aztor, Atorvast) 10 mg/ngày

+ Fluvastatin (Lescol) 20mg/ngày

+ Pravastatin (Pravachol) 10mg/ngày

+ Rosuvastatin (Crestor) 5-10mg/ngày

Với bệnh nhân tăng cholesterol máu loại phối hợp tăng LDL-C và triglycerid:

- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt như đã trình bày ở trên.

- Dùng thuốc: nếu cần giảm nhanh triglycerid để tránh biến chứng: bắt đầu bằng thuốc nhóm fibrat:

+ Gemfibrozil (Lopid) 300mg/ngày (sau khi ăn tối)

+ Fenofibrat (Lipanthyl) 200 mg/ngày (sau ăn tối)

- Khi triglycerid giảm xuống dưới 5,62 mmol/L thì cho bệnh nhân dùng thuốc nhóm statin với liều lượng như trên.

- Nếu sau 4-6 tuần dùng thuốc nhóm statin hoặc fibrat mà không đạt LDL-C hoặc triglycerid mục tiêu thì có thể tăng gấp đôi liều thuốc và xét nghiệm lại sau 4-6 tuần.

Phòng bệnh tăng lipid máu

- Thực hiện chế độ ăn giảm các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, phomats, margarin…). Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng…)

- Không ăn nhiều các thức ăn có cholesterol cao như lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ  (sữa, gan, bơ, phủ tạng động vật…). Ăn cá nhiều hơn ăn thịt

- Hạn chế uống rượu.

- Ăn nhiều rau quả (vì chúng làm hạ lượng cholesterol) như các loại táo, bưởi, cam, quýt, bắp cải, cải củ, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, tỏi, hành ta, hành tây, gừng, ớt,…

- Ngoài chế độ dinh dưỡng nói trên, người bệnh còn cần tập thể dục đều đặn, vận động thường xuyên kiên trì (như dọn dẹp, lên xuống cầu thang, tập thể dục, chăm sóc cây cảnh…) để tránh béo phì.

 
Nội dung khác