Bệnh viện Số 10 - Tin tức y khoa 

Tin tức y khoa

HIỂU THÊM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thực ra chứng bệnh này không phải là mới, từ xa xưa bệnh đái tháo đường đã xuất hiện với tên gọi là bệnh tiêu khát. Trước đây có rất nhiều người mắc phải các biến chứng hiểm nghèo của bệnh gây nên mà không biết là chúng sinh ra từ bệnh tiểu đường. Chữa bệnh tiểu đường là mong đợi của nhiều người mắc bệnh. Các bệnh nhân khi bị tiểu đường (đái tháo đường) luôn luôn có những lo lắng, tù túng hoặc thậm chí suy nghĩ tiêu cực càng làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn.


 

 

Định nghĩa bệnh tiểu đường

Đái tháo đường, còn gọi là Bệnh tiểu đường hay Bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.

Tuyến tụy =>> Sản xuất ra Insulin =>> Đường (Glucose) =>> Tế bào trong cơ thể =>> Sinh ra năng lượng.

Thực tế có nhiều yếu tố khác nhau: Chế độ ăn uống, căng thẳng quá mức, béo phì, di truyền… gây ức chế tuyến tụy làm suy yếu khả năng hoặc không thể sản xuất được Insulin. Lúc này, đường (Glucose) không được đưa vào tế bào mà tích tụ trong máu rồi đào thải qua đường nước tiểu gây nên chứng bệnh đái tháo đường.

Phân loại bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) type 1

Loại bệnh tiểu đường này thường ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Trong tiểu đường (đái tháo đường) type 1, cơ thể không thể sản xuất insulin. Lý do: hệ thống miễn dịch của cơ thể do nhầm lẫn đã tấn công các tế bào trong tuyến tuỵ làm cho tế bào tuyến tụy không còn sản xuất được insulin. Khi không có Insulin, tế bào sẽ không sử dụng được Glucose, do đó Glucose trong máu sẽ tăng rất cao. Bệnh nhân cần được tiêm insulin để sống.

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) type 2

Đây là loại tiểu đường thường gặp nhất. Thông thường, với bệnh tiểu đường (đái tháo đường) type 2, trong cơ thể vẫn còn sản xuất insulin, nhưng các tế bào không thể sử dụng nó. Điều này được gọi là đề kháng insulin. Theo thời gian, đường huyết sẽ tăng cao trong máu. Béo phì và ít vận động làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường (đái tháo đường) type 2.

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) thai kỳ

Đây là dạng tiểu đường xảy ra ở một số phụ nữ mang thai và chấm dứt sau khi sanh. Có thể gây ra các vấn đề trong quá trình mang thai. Phụ nữ bị Đái tháo đường thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh Đái tháo đường type 2 sau này.

Nội dung khác